Denise Nguyen và Victor Nguyen-Long thường lui tới Trung tâm Eden từ khi còn nhỏ. Bây giờ họ đang làm việc cùng với những người bạn cũng từng như họ để bảo vệ trung tâm mua sắm sôi động này. Ảnh của Emily Martin.

We know D.C. Get our free newsletter to stay in the know.

Chúng tôi trình bày câu chuyện này bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Để đọc câu chuyện bằng tiếng Anh, xin vui lòng nhấn vào đây. Translation by Anh Nguyen.

Victor Nguyen-Long , 43 tuổi, dành một ngày thứ Tư của tháng Hai để làm công việc mà anh ấy đã dành phần lớn thời gian để làm gần đây: gặp gỡ các chủ doanh nghiệp của Trung tâm Eden. Nguyen-Long và đối tác của anh, Denise Nguyen, 36 tuổi, đã nói chuyện với hàng chục chủ sở hữu và nhân viên tại trung tâm thương mại ở Falls Church trong nhiều tháng qua.

Nguyen-Long và Nguyen là thành viên của Viet Place Collective, một nhóm cấp cơ sở làm việc để đảm bảo tương lai của Trung tâm Thương mại Eden trước thông tin có một kế hoạch khu vực nhỏ do thành phố Falls Church đề xuất. Các thành viên khác, không có quan hệ họ hàng với nhau, bao gồm Jenn Tran, Jess Nguyen, Amanda Luo, Ha Nguyen, Binh Ly, một nhà quy hoạch thành phố 32 tuổi và Quynh Nguyen, một nhà hoạt động xã hội 25 tuổi cho tổ chức phi lợi nhuận địa phương Trung tâm Hamkae.

“Tất cả chúng tôi đều lớn lên trong khu vực và Trung tâm Eden là một nơi gần gũi và thân thương đối với chúng tôi,” Nguyen-Long nói. “Chúng tôi có cơ hội ngay tại đây để đầu tư thời gian để hiểu hết sự phức tạp, đồng thời giải bày những lấn cấn về danh tính của chính mình và ý nghĩa của nơi này đối với chúng tôi bây giờ.”

Cơ hội đó đã được đưa ra vào tháng 11 năm 2021 bởi một kế hoạch khu vực nhỏ của Thành phố Falls Church, trong đó “xác định tầm nhìn tái phát triển” mà “nhạy cảm với lịch sử của khu vực và đáp ứng nhu cầu hiện tại cũng như tương lai của cư dân, người lao động và du khách của Thành phố.” Kế hoạch bao gồm Trung tâm Eden và Seven Corners, hay còn gọi là East End, là một phần của Kế hoạch Toàn diện đã được thông qua của thành phố, hướng dẫn bắt buộc của tiểu bang để phát triển và đầu tư vào Falls Church. Kế hoạch East End là kế hoạch cuối cùng trong loạt bảy kế hoạch khu vực được phát triển trong hơn một thập kỷ.

Trung tâm Eden bắt đầu chuyển đổi thành một trung tâm văn hóa vào năm 1984, khi các chủ doanh nghiệp Việt Nam rời khỏi khu vực “Little Saigon” ở Clarendon mở cửa hàng tại đây. Dải trung tâm mua sắm đã nhanh chóng trở thành không gian tụ tập của cộng đồng người Việt địa phương và là điểm đến du lịch số một ở Falls Church, với du khách lái xe từ khắp nơi đến thăm quan. Nhưng đối với nhiều khách quen của nơi đây, tương lai của Trung tâm Eden có thể mang nhiều dấu hỏi.

Tháp đồng hồ mang tính biểu tượng hiện nay tại Trung tâm Eden đã được bổ sung vào những năm 1990, trong quá trình tu sửa và xây dựng bổ sung. Ảnh của Emily Martin.

Nguồn gốc của Viet Place Collective

Quynh Nguyen là một trong những người đầu tiên bắt đầu tổ chức và thông báo cho những người thuê mặt bằng tại Trung tâm Eden về kế hoạch này. Họ nghe tin đồn thất thiệt về việc trung tâm mua sắm sẽ bị phá bỏ trước khi phát hiện ra thông tin về kế hoạch khu vực nhỏ thông qua đồng nghiệp, và lo ngại rằng các chủ doanh nghiệp khác mới chỉ nghe tin đồn.

Vì vậy, Quynh đã cùng bạn bè đến gõ cửa từng cửa hàng vào tháng 1 năm 2022 để nói chuyện với các chủ doanh nghiệp; một số do dự, một số không biết về kế hoạch và những người khác không quan tâm vì Alan Frank, phó chủ tịch cấp cao kiêm tổng cố vấn của Trung tâm Eden, đã gửi một tuyên bố bác bỏ tin đồn về việc phá dỡ.

Capital Commercial Properties sở hữu Trung tâm Eden từ những năm 1960 và sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết để duy trì hoạt động,” phó chủ tịch kiêm phó tổng cố vấn Graham Eddy nói. “Trung tâm Eden sẽ không đi đâu cả.”

Bước tiếp theo là nghiên cứu cơ bản về lịch sử của Trung tâm Eden, Quynh nói, bắt đầu bằng việc kết nối với Ly, người đã thu thập những câu chuyện lịch sử truyền miệng của những cư dân từng làm việc và lui tới Little Saigon như một phần của dự án bởi các sinh viên khoa Đô thị và Quy hoạch, Trường Đại học Virginia Tech năm 2014. Nhóm cũng đã nghiên cứu tác động kinh tế của Trung tâm Eden và một vụ kiện không thành công năm 2012 mà những người thuê mặt bằng đã khởi kiện Capital Commercial Properties về các điều kiện tại trung tâm mua sắm.

Quynh cho biết họ cảm thấy thành phố đã không thông báo đầy đủ cho các thành viên cộng đồng về cuộc họp cộng đồng vào tháng 3 năm 2022 sau lần khởi động đầu tiên vào tháng 11 năm 2021.

“Đối với chúng tôi, rõ ràng là nếu bạn có một kế hoạch nói rằng nó muốn tôn vinh văn hóa Việt Nam và tập trung vào Trung tâm Eden, thì bạn nên chủ động đưa các chủ doanh nghiệp vào, nhưng họ đã không làm điều đó,” Quynh nói.

Susan Finarelli, giám đốc truyền thông của Thành phố Falls Church cho biết, Ủy ban Kế hoạch đã dời cuộc họp sang tháng 11 năm 2022 do thiếu nhân sự. Trước cuộc họp, Quynh Nguyen quyết định phân phát tờ rơi bằng tiếng Việt tại Trung tâm Eden sau khi yêu cầu ủy ban cho 50 bản copy. Finarelli lưu ý rằng tuy nhiên ủy ban cảm thấy không có đủ thông báo rộng rãi, do đó, một phiên lắng nghe công khai đã được bổ sung vào ngày 18 tháng 1, lần đầu tiên bao gồm một diễn đàn công khai với bình luận mở.

Nhưng công việc vẫn còn nhiều, vì vậy Viet Place Collective được đặt tên và tăng số lượng nhân viên: Ly, Nguyen-Long và Denise Nguyen đều tham gia. Kể từ đó, nhóm đã sử dụng Instagram để phổ biến một cuộc khảo sát cộng đồng và khuyến khích những người theo dõi tham gia phiên lắng nghe công khai. Sự có mặt của đông đảo người tham dự cuộc họp là “vô cùng thỏa mãn vì tất cả những nỗ lực của chúng tôi đã đạt được một điều gì đó”, Quynh Nguyen nói.

Diana Nguyen và CK đã có buổi hẹn hò đầu tiên tại Rice Paper, cách đài phun nước ở Trung tâm Eden vài bước chân. Ảnh của Emily Martin.

Trong số những người muốn giúp đỡ có nhà quay phim Cham Keat Diana Nguyen, những người sáng tạo nội dung đằng sau Hypefoodies . Cặp đôi, đều đã lui tới Trung tâm Eden từ khi còn bé và có buổi hẹn hò đầu tiên tại quán ăn nổi tiếng Rice Paper, nói rằng họ hy vọng sẽ khuếch đại công việc của nhóm để bảo tồn trung tâm sôi động này.

Kể từ đó, nhóm thậm chí còn phát triển quy mô lớn hơn, tổ chức các buổi định hướng cho tình nguyện viên, gây quỹ cho chi phí tổ chức, và hiện đang làm việc với ủy ban kế hoạch để đáp ứng những nhu cầu của họ, chủ yếu là một chuyên gia tiếp cận cộng đồng nói tiếng Việt được trả lương.

Có gì trong kế hoạch khu vực nhỏ

Ủy ban Kế hoạch Thành phố Falls Church, được bổ nhiệm bởi các thành viên được bầu của Hội đồng Thành phố, đã được giao nhiệm vụ soạn thảo kế hoạch khu vực East End. Jim Snyder, giám đốc dịch vụ quy hoạch cộng đồng và phát triển kinh tế, và Paul Stoddard, giám đốc quy hoạch của thành phố, giám sát các nỗ lực quy hoạch của thành phố, và họ nhấn mạnh rằng quy hoạch khu vực nhỏ nên được xem như một kế hoạch tái đầu tư, không phải là một kế hoạch tái phát triển.

“Trung tâm Eden là một trong những thế mạnh của khu vực. Chúng tôi không tìm cách tái phát triển, chúng tôi đang tìm cách làm nó khởi sắc hơn và bảo tồn,” Snyder nói. “Nó đã không nhận được nhiều tình cảm từ thành phố về mặt đầu tư hoặc kết nối.”

Các quy hoạch khu vực nhỏ muốn có một tầm nhìn bao quát, chia nhỏ thành các nhu cầu chức năng, như đầu tư vào giao thông vận tải hoặc các rào cản pháp lý, Stoddard nói. Nhưng việc thông qua kế hoạch không đảm bảo kế hoạch sẽ diễn ra y như vậy—nó giống như một thủ tục để tiếp cận nguồn tài chính công hơn.

Khoản tài trợ đó có thể dùng để nâng cấp vỉa hè và lối băng qua đường trên Đại lộ Wilson, một con đường từ lâu được các chủ doanh nghiệp và khách xem là nguy hiểm. Ủy ban đang ưu tiên mối quan tâm đó, Stoddard nói, nhưng quá trình này có thể mất gần một thập kỷ: Chu kỳ nộp hồ sơ xin tài trợ đến Cơ quan Giao thông vận tải Bắc Virginia mở hai năm một lần, có thể mất bốn năm để nhận được tiền đã được phê duyệt, kỹ thuật có thể mất một năm và xây dựng thêm hai năm.

“Chúng tôi đang hiện đại hóa một cộng đồng ngoại ô thành một cộng đồng có thể đi bộ được,” Stoddard nói. “Cộng đồng [cũ] được phát triển với xe hơi trước, con người sau, và chúng tôi đang cố gắng thay đổi điều đó.”

Trung tâm mua sắm có hơn 120 doanh nghiệp, hầu hết do người Việt làm chủ, với nhiều cửa hàng như nằm trong mê lộ. Ảnh của Emily Martin.

Chủ cửa hàng trong Trung tâm Eden thận trọng, nhưng lạc quan

Một chủ doanh nghiệp trong Trung tâm Eden, người yêu cầu giấu tên, hy vọng kế hoạch sẽ bao gồm tái đầu tư cần thiết như an toàn đường bộ và các lựa chọn đỗ xe tốt hơn, nhưng cũng cảm thấy lo lắng về việc nó sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ như thế nào.

“Tôi muốn thay đổi để tốt hơn, nhưng tôi không muốn những thay đổi lớn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đang gặp khó khăn,” người chủ nói. Trung tâm “cần một nguồn năng lượng trẻ,” ông nói thêm, nhưng bất kỳ thay đổi nào cũng nên giúp ích cho các hoạt động kinh doanh hiện tại.

Frank, chủ nhà, đã gửi email cho các chủ doanh nghiệp để trấn an họ rằng họ sẽ không đẩy các doanh nghiệp nhỏ ra ngoài, nhưng một số người thuê mặt bằng vẫn gặp khó khăn trong việc hiểu tình hình vì rào cản ngôn ngữ. Một chuyên gia nói tiếng Việt nên ngồi lại với mọi chủ cửa hàng để “giải quyết những lo lắng mà chúng tôi có,” người chủ giấu tên nói.

Vinh, chủ sở hữu của Tinh Han Jewellers, muốn được gọi bằng tên, không lo lắng về kế hoạch sau sự trấn an của Frank, và bà ấy hoan nghênh các cơ sở kinh doanh mới mở gần đó sẽ cải thiện lưu lượng người qua lại. Bà ấy hy vọng ủy ban sẽ lắng nghe những lo ngại về an toàn giao thông. Bà ấy nói rằng bà ấy sẽ nêu ý kiến về những lo ngại đó tại các cuộc họp tại chỗ, nhưng chỉ khi chúng được tổ chức ngoài giờ làm việc của cửa hàng bà ấy.

Nhưng các quan chức chính quyền thành phố nên đến gặp các chủ doanh nghiệp, Quang Le, chủ sở hữu Huong Binh Deli nói, và chỉ khi đó họ mới lên tiếng cho những gì họ muốn. Le, người có doanh nghiệp gia đình đã hoạt động ở trung tâm hơn 30 năm, cho biết không có đủ cơ hội cho những người thuê mặt bằng quá bận rộn điều hành cửa hàng để theo sát vấn đề hoặc gửi mối lo ngại trực tuyến.

Về việc có bất kỳ khoản tái đầu tư hoặc thay đổi nào đối với Trung tâm Eden, ông ấy muốn thành phố xem xét thiết lập một chương trình tái chế tại Trung tâm Eden, nhưng lo ngại về việc phát triển phức hợp có thể gây ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động kinh doanh hiện tại.

“Họ có thể làm bất cứ điều gì để trung tâm sạch hơn, sáng sủa hơn và an toàn hơn, nhưng phát triển hỗn hợp không phải là một ý tưởng hay,” Le nói. “Nếu các cửa hàng bị yêu cầu đóng cửa, rất có thể các chủ doanh nghiệp và nhân viên sẽ bỏ đi. Một khi bạn làm đứt dây chun, sẽ rất khó để gắn nó trở lại.”

Những quan ngại khác của cộng đồng về kế hoạch

Nhưng nhiều người lo ngại rằng kế hoạch chỉ tập trung vào tòa nhà thật mà không ưu tiên cho cộng đồng người Việt tại Trung tâm Eden.

“Những gì chúng tôi thấy còn thiếu trong kế hoạch này là những gì tạo nên Trung tâm Eden Trung tâm Eden: các cửa hàng, cộng đồng và con người,” Ly nói. Kế hoạch này là cơ hội để thành phố sử dụng lăng kính dân tộc và công bằng xã hội, Ly nói, đồng thời cho biết thêm: “Chúng tôi xứng đáng với những gì mà mọi người Mỹ khác xứng đáng có được: một chỗ ngồi ở bàn nghị sự và sự ghi nhận những đóng góp của chúng tôi cho cộng đồng.”

Nguyen-Long chỉ ra ngôn ngữ mà Capital Commercial Properties sử dụng khi hứa hẹn Trung tâm Eden sẽ không đi đâu hết; giữ cổng chào nổi tiếng và chữ Việt trên tòa nhà nhưng không có nghĩa là sẽ không đẩy tiểu thương ra ngoài. Quynh nói thêm rằng sự phát triển phức hợp xung quanh trung tâm có thể dẫn đến việc các cửa hàng bị phá bỏ, một mô hình di dời xáo trộn tương tự trong lịch sử của các cộng đồng da màu ở Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động không phản đối việc phát triển hoặc đầu tư vào Trung tâm Eden, miễn là nó ưu tiên cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chuyên gia nội dung Vina Sananikone cho biết việc cập nhật cơ sở hạ tầng và bãi đậu xe của tòa nhà sẽ được đánh giá cao, nhưng bà hy vọng các doanh nhân Việt Nam sẽ không bị đẩy ra ngoài về lâu về dài.

“Chúng tôi muốn bảo tồn các doanh nghiệp và làm cho nó tốt hơn cho họ, nhưng chúng tôi cũng muốn đảm bảo di sản mà [Trung tâm Eden] sẽ để lại,” Sananikone, người đã tham dự buổi lắng nghe công khai ngày 18 tháng 1, cho biết.

Sananikone muốn có một trung tâm cộng đồng xứng tầm làm nơi để tụ tập, và Ly đồng ý: Ông ấy mong muốn có một không gian tốt hơn cho cha mẹ ông ấy để tưởng niệm sự sụp đổ của Sài Gòn mỗi năm hơn là bãi đậu xe.

Những người khác nói rằng ủy ban đã không tiếp cận đủ với các thành viên cộng đồng để định hình kế hoạch theo mối quan tâm của họ, bao gồm cả cư dân lâu năm Charlie Lord. Lord cho biết quy trình viết kế hoạch, bao gồm cả các cuộc họp cộng đồng không trực tiếp tại chỗ, chỉ thích hợp cho những công dân tích cực gắn bó tham gia.

Lord, người thường đến Trung tâm Eden từ khi còn bé, nói rằng sự thiếu gắn kết của ủy ban có thể dẫn đến một kế hoạch không phù hợp với nhu cầu của cộng đồng và làm mất đi các doanh nghiệp nhỏ.

“Thành phố nên nhận ra đây là một viên ngọc quý như thế nào mà họ đang có và có trách nhiệm trở thành người chăm sóc không gian đó,” Lord nói. “Những nơi như thế này làm phong phú thêm nền văn hóa cho tất cả những người sống quanh đó, và sẽ thật đáng xấu hổ nếu những nơi phục vụ cho cộng đồng người nhập cư bị đẩy ra rìa.”

Để đáp lại lời kêu gọi tham gia nhiều hơn, ủy ban đã trì hoãn quá trình lập kế hoạch để tổ chức bốn sự kiện pop-up với một thông dịch viên tại Trung tâm Eden vào ngày 18 tháng 3 và 22 tháng 4 từ 11 giờ sáng đến 4 giờ chiều, và ngày 22 và 29 tháng 3 từ 1 đến 5 giờ chiều, theo nhà quy hoạch cao cấp Emily Bazemore. Mỗi sự kiện sẽ tập trung vào một chủ đề, chẳng hạn như tầm quan trọng của Trung tâm Eden và những cải tiến mong muốn, trước khi chia sẻ về kế hoạch sửa đổi vào tuần cuối cùng.

Gia đình Quang Le đã điều hành tiệm bánh mì Huong Binh hơn 30 năm nay. Ông ấy hy vọng sẽ tham dự các sự kiện pop-up trực tiếp để bày tỏ mối lo ngại của mình về kế hoạch. Ảnh của Emily Martin.

Nhưng nếu cần thêm thời gian để nói chuyện với tất cả các chủ cửa hàng, Phó Thị trưởng Letty Hardi nói rằng bà ấy muốn kéo dài quá trình tham gia. Bà ấy cũng cho biết bà ấy hiểu những lo ngại về việc di dời các doanh nghiệp nhỏ với tư cách là một người Mỹ gốc Á thế hệ thứ nhất có Nhà hàng Fortune do gia đình sở hữu, một quán ăn Trung Quốc hiện đã đóng cửa gần Seven Corners.

Hardi cho biết, ủy ban đang tiến hành thuê một chuyên gia tiếp cận cộng đồng người Việt Nam và khám phá các lựa chọn về cách chính quyền thành phố có thể hỗ trợ trong nỗ lực chống lại việc xáo trộn di dời, như cung cấp các biện pháp bảo vệ người thuê mặt bằng, chỉ định địa điểm cho du lịch di sản hoặc cung cấp các khoản tài trợ kinh doanh kế tục.

Tuy nhiên, Eddy nói rằng những lo ngại về kế hoạch không đáng thành câu chuyện. Ông nói, kế hoạch bao gồm các ưu đãi để chủ đất linh hoạt hơn trong tương lai, nhưng việc tái phát triển tại Trung tâm Eden sẽ không xảy ra.

Eddy cho biết, những lo ngại về việc Trung tâm Eden biến mất cứ sau vài tháng lại xuất hiện, nhưng Capital Commercial Properties toàn tâm toàn ý đầu tư vào trung tâm mua sắm này và tương lai của nó, ví dụ như một khu ẩm thực mới sẽ mở trong chỗ Siêu thị Chợ Eden trước đây. Ông cho biết thêm, sự di dời xáo trộn do kế hoạch gây ra “không phải là vấn đề” bởi vì công ty muốn giữ cho trung tâm phát triển tốt đẹp mãi mãi.

“Chúng tôi cảm thấy may mắn vì cộng đồng người Việt đã chọn Trung tâm Eden, và chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm quản lý và duy trì mối quan hệ đó,” Eddy nói.

Phó tổng cố vấn Lindsay Thompson cho biết thêm: “Đây không chỉ là một trung tâm mua sắm thương mại với những người thuê mặt bằng đến rồi đi vài năm một lần, đây là một cộng đồng. Chủ coi trọng điều đó và không có ý định thay đổi điều đó.”

Lịch sử có thể lặp lại chính nó

Các chủ cửa hàng của Trung tâm Eden trước đây cũng lo ngại về số phận của các doanh nghiệp do người Việt làm chủ. Khiet Dang, 76 tuổi, đã điều hành nhà sách Thế Hệ ở Trung tâm Eden hơn 20 năm. Hiện đã nghỉ hưu, Dang nói rằng ông phải tiếp tục giảng dạy tại trường trung học Wakefield ở Arlington trong lúc ông sở hữu cửa hàng để trả tiền thuê mặt bằng, vốn đã tăng gần gấp 10 lần giá ban đầu vào thời điểm ông đóng cửa.

Dang đã chứng kiến nhiều thay đổi tại trung tâm thương mại, chẳng hạn như hai khu mở rộng mang tên Saigon West và Saigon Gardens, một tháp đồng hồ được bổ sung mô phỏng Chợ Bến Thành ở Thành phố Hồ Chí Minh, các biển báo mang tên những người lính Việt Nam Cộng hòa đã ngã xuống và lá cờ Nam Việt Nam bay trong gió.

Cổng của Trung tâm Eden là một biểu tượng quan trọng ở trung tâm, nhưng các nhà hoạt động đang thúc đẩy Thành phố Falls Church và chủ sở hữu của trung tâm mua sắm cũng phải bảo tồn các doanh nghiệp nhỏ. Ảnh của Emily Martin.

Các thành viên cộng đồng lớn tuổi, bao gồm các nhà hoạt động đã nghỉ hưu như mẹ của Nguyen-Long và  Ly, lo ngại rằng họ sẽ thấy các doanh nghiệp lại biến mất sau khi những người tị nạn Việt Nam bị di dời khỏi Little Saigon khi trạm dừng tàu điện ngầm Clarendon mở cửa và đẩy giá cả lên cao. Trương Anh Thụy, mẹ của Nguyen-Long, đã chứng kiến bạn bè của mình đóng cửa các cửa hàng bách hóa và trang sức và giờ bà lo lắng điều đó có thể xảy ra lần nữa.

“Nếu những người ở Trung tâm Eden dọn đi, đó sẽ là một thảm họa. Họ không có nơi nào để đi,” Trương nói.

Ban đầu, Trương rất ngạc nhiên khi biết về kế hoạch này, nhưng rõ ràng là đến cuộc họp vào tháng 11 năm 2022 ủy ban vẫn chưa chịu lắng nghe cộng đồng Việt Nam. Trương nói, các cuộc họp tham gia là cần thiết, mặc dù bà không chắc liệu mình có tham dự hay không.

Trương, 86 tuổi, đã giúp thành lập vào năm 1990 trụ sở chính ở Falls Church của Boat People SOS, một tổ chức phi lợi nhuận dành cho người tị nạn Việt Nam mà ban đầu hoạt động ở San Diego. Dang và Trương nói rằng họ rất ấn tượng và biết ơn thế hệ trẻ đang tiếp tục công việc của họ khi họ không còn có thể. Tuy nhiên, Trương đang lên kế hoạch tổ chức bạn bè của mình để thúc đẩy ủy ban bảo vệ các chủ cửa hàng trong Trung tâm Eden.